Đặc điểm Hội họa dân gian Việt Nam

Tranh dân gian Việt Nam dù có nhiều dòng tranh khác nhau nhưng nhìn chung đều được dựng hình theo kiểu lấy các nét khoanh, lấy các mảng màu và bao lại toàn hình. Các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau. Cách tạo màu cũng vậy, tất cả đều nhằm làm cho bức tranh thật dễ nhìn.

Cách vẽ, in ấn

Do đặc điểm của tranh dân gian là để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ việc thờ cúng, trang hoàng cho ngày Tết cho nên cần phải có số lượng lớn mà giá cả không được đắt. Vì thế mà người làm tranh đã sử dụng phương pháp khắc ván rồi từ đó sao in ra nhiều bức tranh.

Nhìn chung cách in tranh chủ yếu là sử dụng ván khắc. Các bản ván khắc chủ yếu làm từ gỗ. Đầu tiên nghệ nhân sẽ khắc lên bản gỗ đường nổi thể hiện những đường nét chính của tranh, sau này khi in tranh ra giấy, người làm tranh lại tiếp tục tô vẽ để hoàn thiện bức tranh đó, còn đối với một số tranh đơn giản thì người thợ không cần tô vẽ thêm nữa mà tranh được đưa ra khi in xong. Nghệ thuật in tranh qua các bản gỗ khắc nổi xuất hiện từ xa xưa, được lưu truyền từ đời nay qua đời khác.

Ngoài các dòng tranh sử dụng phương pháp khắc thì còn có những bức tranh vẽ tay của các nghệ nhân. Phương pháp vẽ tranh trực tiếp này chủ yếu được dùng ở vùng các dân tộc thiểu số ở vùng núi miền Bắc như người: Tày, Nùng, Dao...

Nguyên liệu và cách tạo màu cho tranh

Tranh thường được in hoặc vẽ trực tiếp lên giấy. Loại giấy phổ biến thường được các dòng tranh dùng hơn cả là giấy dó. Từ loại giấy này có thể làm ra giấy điệp, loại giấy mà tranh Đông Hồ sử dụng in hình. Đặc điểm của loại giấy này là độ bền rất cao, mà lại xốp nhẹ, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gãy, ẩm nát. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho các bức tranh không bị ẩm mốc, trường tồn cùng thời gian.

Mỗi dòng tranh thường có cách tạo màu, pha chế màu sắc riêng, nhưng nhìn chung thì màu sắc cho những bức tranh thường được tạo nên từ những nguyên liệu đơn giản, dân dã bằng rất nhiều phương pháp khác nhau.

Ví dụ như trong tranh Đông Hồ, thường chỉ có 3 đến 4 màu mà thôi, màu sắc được tạo nên từ:

  • Than xoan tạo màu đen,
  • Rỉ đồng tạo màu xanh,
  • Hoa hòe tạo màu đỏ,
  • Lá chàm tạo màu xanh mát,
  • Màu vàng ấm lấy từ hoa hoè hay quả dành dành,
  • Màu trắng óng ánh thì dùng vỏ trai điệp ở biển nghiền mịn
  • Màu đen của tranh được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ,
  • Màu vàng cũng tạo nên từ hoa hoè,
  • Màu son của sỏi đồi tán nhuyễn.

Những màu sắc đó lại được pha với dung dịch hồ nếp cổ truyền tạo cho tranh Đông Hồ một vẻ óng ả và trong trẻo. + màu sắc trong tranh Hàng Trống: thường chỉ có 3 đến 5 màu, màu sắc dùng phẩm màu để vẽ.

Bố cục của tranh

Hầu hết tranh dân gian được vẽ theo quan niệm "sống" hơn "giống". Đường nét của mỗi bức tranh hết sức gạn lọc, thuần khiết, cốt sao rung cảm thẩm mỹ cho người xem hơn là vẽ đúng luật. Các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau.